Quá trình thành lập huyện Mộc Châu và những thay đổi địa giới, tên gọi qua các thời kỳ:
Thời các vua Hùng, miền đất Mộc Châu thuộc bộ Tân Hưng – một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Thời Bắc thuộc, Mộc Châu thuộc vùng đất Châu Phong. Thời nhà Lý (1010 – 1225) thuộc châu Lâm Tây. Đời Trần (1225 – 1400) thuộc đạo Đà Giang, cuối đời nhà Trần lại đặt thuộc trấn Thiên Hưng. Thời thuộc Minh (thế kỷ XV) là đất huyện Tứ Mang và huyện Mông thuộc châu Gia Hưng.
Theo Hưng Hóa phong thổ lục của Hoàng Bình Chính, năm Ất Mùi (Cảnh Thịnh thứ 36 – 1775), dưới đời vua Lê Hiển Tông chia đất Mộc Châu thành 03 châu mường: châu Đà Bắc, châu Mã Nam, châu Mộc Châu. Đến giữa thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, đường ranh giới giữa các châu, mường về cơ bản vẫn giữ nguyên theo địa lý hành chính thời Lê. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), Mộc Châu thuộc tỉnh Hưng Hóa. Năm Tự Đức thứ 4 (1852), Mộc Châu kiêm nhiếp Châu Yên.
Thời Pháp thuộc, Mộc Châu và tỉnh Sơn La thuộc Đạo quan binh 4. Năm 1892, Mộc Châu thuộc phủ Vạn Yên. Năm 1904, Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La. Năm 1949, Mộc Châu được hợp nhất với huyện Yên Châu gọi là liên huyện Mộc – Yên.
Sau kháng chiến chống Pháp, từ năm 1955 đến năm 1962, Châu Mộc thuộc Khu tự trị Thái – Mèo. Năm 1963 đến nay Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La.
Sự kiện lịch sử:
Tháng 4/1947, chi bộ Mộc Châu thành lập. Ngày 28.7.1947, bộ đội ta tổ chức đánh địch ở Sồm Lồm (Phiêng Luông) và cướp kho vũ khí ở Hướng Càn (Quy Hướng). Tháng 3/1948, ban Châu uỷ Mộc Châu được thành lập. Ngày 15/5/1949, Hội nghị Tỉnh uỷ họp tại khu căn cứ kháng chiến Mộc Châu. Tháng 6.1950, bộ đội chủ lực tổ chức phục kích đánh thực dân Pháp tại Tà Phềnh (Tân Lập).
Ngày 09/7/1951, bộ đội địa phương, dân quân du kích tổ chức phục kích địch trên đường Nà Mường – Mộc Lỵ diệt 30 địch, làm bị thương 20 tên, thu nhiều vũ khí trang bị. Đêm ngày 17/11/1952, trung đoàn 209 và một tiểu đoàn của trung đoàn 141 do Nam Long chỉ huy tiến công diệt đồn bản Hoa (Tân Lập), diệt hơn 300 địch. Đêm ngày 18/11/1952, trung đoàn 141 dùng 2 tiểu đoàn tập kích đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn địch tại đồn Pa Lay (Nà Mường). Ngày 19/11 – 20/11/1952, ta tấn công đồn Mộc Lỵ, giải phóng Mộc Châu. Tháng 4.1958, Nông trường quân đội Mộc Châu được thành lập với nhiệm vụ trồng chè và chăn nuôi gia súc. Ngày 8.5.1959, Bác Hồ cùng đoàn đại biểu Trung ương Đảng và Chính phủ lên thăm Mộc Châu.
Ngày 12/6/1965, máy bay Mỹ bất ngờ ném bon khu vực km82, mở đầu chiến tranh bắn phá tỉnh Sơn La, ngày 14/6/1965, chúng ném bom khu vực km64, ngày 21/6 ném bom khu vực thị trấn Mộc Châu và một số nơi khác. Ngày 14/6/1965, quân và dân Mộc Châu đã đánh trả nhiều tốp máy báy Mỹ, 3 chiếc máy bay F105D của giặc Mỹ bị bắn rơi. Ngày 05/10/1965, dân quân xã Chờ Lồng bắn rơi 01 chiếc F105D, phối hợp với xã Phiêng Luông bắt sống giặc lái. Ngày 28/11/1965, lực lượng tự vệ khối cơ quan phối hợp với đại đội 403 địa phương, bắn rơi 4 máy bay phản lực Mỹ. Tháng 10/1972, máy bay Mỹ ném bom xuống thị trấn Nông trường và một số điểm trên địa bàn huyện Mộc Châu.
Từ ngày 19 đến 22/12/1958, Đại hội đại biểu Đảng bộ châu Mộc Châu lần thứ nhất được triệu tập tại Hội trường Châu ủy (nay là Tiểu khu 11, Thị trấn Mộc Châu). 19 giờ ngày 29/4/1960, Đại hội trù bị Đảng bộ châu Mộc Châu lần thứ II được tiến hành, 7 giờ ngày 30/4/1960, Đại hội đại biểu Đảng bộ châu Mộc Châu lần thứ II được khai mạc tại Hội trường châu ủy (nay là Tiểu khu 11, thị trấn Mộc Châu) Đại hội làm việc trong 5 ngày từ 29/4 – 04/5/1960. Từ ngày 19 đến 22/12/1961, Đảng bộ châu Mộc Châu tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 1961 – 1963 tại Hội trường Châu ủy. Tháng 3/1963, Đại hội đại biểu Đảng bộ châu Mộc Châu lần thứ IV, nhiệm kỳ 1963 – 1965 được tổ chức tại Hội trường Ủy ban nhân dân huyện (nay là Tiểu khu 11, thị trấn Mộc Châu). Năm 1964, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ V, nhiệm kỳ 1964 – 1967 được triệu tập tại Bản Búa xã Mường Sang (nay thuộc xã Đông Sang). Từ ngày 07 – 10/3/1967 Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ VI, nhiệm kỳ 1967 – 1969 diễn ra tại bản Búa xã Mường Sang (nay là xã Đông Sang). Từ ngày 12 đến 15/6/1969 Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ VII, nhiệm kỳ 1969 – 1970 được tiến hành tại bản Búa xã Mường Sang (nay là xã Đông Sang). Từ ngày 03 đến 08/01/1970, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ VIII được tiến hành tại bản Búa xã Mường Sang (nay là xã Đông Sang). Từ ngày 12 đến 16/01/1973, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX được tổ chức tại bản Búa, xã Mường Sang (nay là xã Đông Sang). Từ ngày 20 đến 24/11/1974, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ X (nhiệm kỳ 1974 – 1977) được tiến hành tại Hội trường Ủy ban hành chính huyện. Tháng 6/1974, Đảng bộ tiến hành Đại hội Quyết thắng nhằm biểu dương thành tích của lực lượng quân sự địa phương, thực hiện chính sách hậu phương, phát động thi đua mới. Từ ngày 05 đến 10/4/1977, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ XI, nhiệm kỳ 1977 – 1978 được tổ chức tại Hội trường UBND huyện (nay là Tiểu khu 2, thị trấn Mộc Châu). Từ ngày 07 đến 09/11/1979, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ XII, nhiệm kỳ 1979 – 1982 được tổ chức tại Hội trường Ủy ban nhân dân huyện. Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ XIII, nhiệm kỳ 1983 – 1985 được tổ chức làm 2 vòng: Vòng I, từ ngày 24 đến 29/12/1981; vòng II từ ngày 06 đến 10/12/1982 tại Hội trường Ủy ban nhân dân huyện. Từ ngày 23 đến 27/9/1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 1986 – 1988 tổ chức tại Hội trường Ủy ban nhân dân huyện. Từ ngày 12 đến 14/01/1989 Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ XV, nhiệm kỳ 1989 – 1991 được tổ chức tại Hội trường Nông trường Mộc Châu I. Năm 1988, Đại hội Hội Cựu chiến binh huyện lần thứ nhất được tổ chức. Năm 1991, Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo 02 cuộc vận động lớn: củng cố, làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đấu tranh chống tham nhũng. Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 1991 – 1996 được tổ chức làm 2 vòng: Vòng I, từ ngày 29 đến 31/3/1991; vòng II từ ngày 23 đến 25/10/1991 tại Hội trường Ủy ban nhân dân huyện. Năm 1992, Đảng bộ tích cực chỉ đạo nhân dân các dân tộc từng bước xoá bỏ việc trồng và hút thuốc phiện. Từ ngày 29 đến 31/3/1996 Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ XVII nhiệm kỳ 1996 – 2000 đã diễn ra tại Hội trường Ủy ban nhân dân huyện. Năm 2000, Mộc Châu hoàn thành công tác giao đất, khoán bảo vệ rừng đến hộ gia đình và cơ sở. Ngày 20/11/2000, Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân huyện. Từ ngày 28 đến 30/11/2000 Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2000 – 2005 được tiến hành tại Hội trường nhà đa năng trường Phổ thông dân tộc Nội trú huyện. Từ ngày 20 đến 22/9/2005 Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2005 – 2010 được tổ chức tại Hội trường Nhà văn hóa huyện. Từ ngày 10 đến 12/8/2010 Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 – 2015 được tổ chức tại Hội trường Nhà văn hóa huyện.
Văn hóa:
Bản, mường (làng, xã) là nơi tồn tại cuộc sống cộng đồng của cư dân các dân tộc Mộc Châu. Cuộc sống đó lấy kinh tế ruộng nước và nương rẫy làm nền tảng. Đơn vị bản bao gồm những gia đình thuộc những dòng họ của một hay hai, ba dân tộc cùng cư trú. Nhiều bản họp thành mường, bao gồm các gia đình của nhiều dòng họ khác nhau với những đường ranh giới rất cụ thể, với những tục lệ cổ truyền. Bản, mường có mối quan hệ chặt chẽ như “gốc với rễ, như cây với cành” tạo ra một bộ máy hoàn chỉnh có tính chất khép kín, mang đậm màu sắc dân tộc ở Mộc Châu. Trong nền tảng xã hội ấy, bản được xem là đơn vị kinh tế, chính trị quan trọng trong xã hội. Các gia đình trong bản với các thành viên của mình hợp lại thành một cộng đồng cư dân có tổ chức nhất định. Mỗi bản có địa vực cư trú riêng, có phạm vi đất đai canh tác đất rừng, khúc sông, khe suối riêng thuộc quyền quản lý và sử dụng của bản. Do vậy, cộng đồng bản là một cộng đồng nông thôn độc lập, lấy đơn vị gia đình làm nền tảng. Và trên địa bàn cư trú ấy họ đã cùng nhau chung lưng đấu cật để khai phá ruộng nương, lấy gỗ dựng nhà, chống thiên tai, giặc dã. Từ đó mối giao cảm, tình yêu thương, tính cộng đồng và tình đoàn kết đã hình thành và trở thành một truyền thống tốt đẹp của người dân xứ Mộc.
Chính sự hòa nhập giữa các dân tộc ở Mộc Châu đã tạo nên đặc điểm rất điển hình đó là sự giao thoa về văn hóa và sử dụng lẫn nhau về tiếng nói để trao đổi hàng hóa và giao tiếp trong sinh hoạt. Văn hóa Thái là “văn hóa thung lũng”, “văn hóa lúa nước”, văn hóa Mông, Dao, Xinh Mun hay Khơ Mú là “văn hóa đồi gò”, “văn hóa lúa nương”. Nhưng dù ở hình thái nào thì văn hóa của cộng đồng các dân tộc Mộc Châu là nền “văn hóa văn minh nông nghiệp”.
Các dân tộc huyện Mộc Châu thuộc hệ ngôn ngữ Nam Á, tiếng nói các dân tộc luôn là công cụ giao tiếp hàng ngày, chỉ có dân tộc Thái và dân tộc Dao có chữ viết và lưu lại nhiều văn bản quý giá góp phần vào kho tàng văn hóa của các dân tộc Mộc Châu. Do Mộc Châu có nhiều dân tộc cùng sinh sống, vì vậy ở đây có hiện tượng song ngữ và đa ngữ phổ biển là ngôn ngữ tiếng kinh, tiếng Thái, tiếng Mông, tiếng Dao, tiếng Mường.
Nhà ở truyền thống của các dân tộc Mộc Châu có hai loại cơ bản: Nhà sàn của dân tộc Thái, Mường, Khơ Mú, Xinh Mun. Thiết kế nhà cổ truyền theo kiểu vì cột, liên kết chủ yếu là buộc, gá hoặc dùng ngoẵm; một gian chính, hai chái, hai mái chính hình thang cân và phẳng, hai mái đầu hồi nhỏ và thấp. Tại hai đầu hồi, có cầu thang với số bậc lẻ. Cách bố trí nơi ăn ở trên sàn tương đối thống nhất. Tính theo chiều ngang bên trái là nơi ngủ, đặt bếp và là nơi sinh hoạt của gia đình, phía thờ tổ tiên dành cho nam giới, phía giáp bếp là khu vực của phụ nữ, tiếp đó là sàn phơi và đồ đựng nước. Nhà của các dân tộc Kinh, Mông, Dao chủ yếu là nhà trệt, về hình dáng kiến trúc ngôi nhà phần lớn sử dụng loại nhà trệt ba gian hai chái, mái lợp tranh hay ngói âm dương, phía trước có hiên đón, cửa ra vào mở ở gian giữa, hai bên có cửa sổ nhỏ mở ra hiên.. Trải qua bao đời chung sống đồng bào các dân tộc đã tự hòa nhập và chịu ảnh hưởng lẫn nhau khá đậm nét, đặc biệt phong cách kiến trúc của người thái có ảnh hưởng nhiều tới kiến trúc của các dân tộc anh em.
Trang phục là yếu tố quan trọng của văn hóa các dân tộc Mộc Châu, phản ánh nếp sống văn hóa của con người trong mỗi cộng đồng dân tộc. Trang phục không chỉ mang tính chất giới tính mà còn mang tính xã hội rất rõ rệt. Đó là trang phục ngày thường, trang phục mặc trong những ngày lễ hội, cưới xin, ma chay. Chất liệu của trang phục bằng sợi bông, lanh, được nhuộm chàm. Các trang phục đều được trang trí cầu kỳ và đẹp mắt, nó thể hiện cảm quan thẩm mỹ, sự khéo léo, tài hoa và phản ánh bản sắc văn hóa đặc trưng của từng tộc người. Trang phục còn thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con người với môi trường tự nhiên. Cách trang trí trên trang phục đều lấy thế giới động thực vật làm đối tượng phản ánh. “Vườn hoa trang phục” của các dân tộc Mộc Châu thật giàu hương sắc. Sự dịu dàng, tinh tế, lắng đọng của trang phục Thái, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú… và sự phô diễn rực rỡ của trang phục Mông, Dao.
Văn hóa ẩm thực là bộ phận thứ ba của văn hóa các dân tộc Mộc Châu, Sách Đại nam nhất thống chí triều Nguyễn có ghi: “Dân phần nhiều là ăn cơm nếp, mặc vải chàm, sau lưng địu con, gần nhà đặt cối dùng sức nước để giã gạo, làm guồng nước để tưới ruộng, dùng ống vầu để múc nước. Có bệnh thì cầu đảo quỷ thầnm lấy vợ thì ở rể; người chết thì chia của”. Cơm nếp, ngô, măng, rau, thịt, cá là những thứ thường thấy trong bữa ăn hàng ngày của đồng bào. Khẩu vị ưa thích là món nướng, đồ xôi hay vùi tro, đồng bào thường thích chua, cay, đắng và các nhiều gia vị. Đồ uống thường ngày là rượu cần, rượu nếp, rượu cất thường dùng trong dịp lễ tết, đón khách. Đặc trưng là rượu ngô của dân tộc Mông; rượu gạo của dân tộc Thái, Mường; Rượu hoẵng của dân tộc Dao…
Nghề thủ công của các dân tộc như rèn, mộc, đan lát, dệt thổ cẩm, thêu…được coi là nghề phụ gia đình. Nếu như nghề đan lát là công việc của đàn ông đã đạt đến trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao thì nghệ dệt vải có từ ngàn đời là của chị em phụ nữ các dân tộc. Những tấm vải đẹp với những hoa văn sặc sỡ, sinh động, mang sắc thái riêng của từng dân tộc đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật trang phục phổ biến, phản áng đời sống vật chất và tinh thần phong phú của các dân tộc Tây Bắc nói chung và dân tộc Mộc Châu nói riêng. Ngày nay các ngành nghề đa dạng và phong phú hơn, nền kinh tế không hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên và mang tính tự cấp, tự túc nữa, đơn vị kinh tế không chỉ là gia đình mà các công, nông, lâm nghiệp được thành lập để khai thác ưu thế của một miền đất trù phú, giàu tiềm năng phát triển cây công nghiệp, ăn quả.
Hầu hết các tộc người thiểu số sống ở vùng Mộc Châu đều theo tín ngưỡng đa thần và quan niệm về vũ trụ xung quanh con người được tạo bởi nhiều tầng thế giới. Người Thái họ tin trên trời có Then luông là đấng quản trời đất, vạn vật và con người, ở trần gian , bất cứ nơi nào cũng có các ma cai quản, muốn lập bản, khai phá ruộng, phá nương đều phải xin phép các ma. Những vị thần trên trời, các ma ở trần gian cùng ma nhà, ma họ, những ông bà, cụ kỵ đã khuất là những lực lượng phù hộ bảo vệ con người. Việc thờ cúng trời đất, tổ tiên được thể hiện bằng những nghi thức, lễ nghi nông nghiệp, chủ yếu nhằm cầu xin trời đất bảo vệ mùa màng, mưa thuận gió hòa, dân chúng ấm no.
Tín ngưỡng và tôn giáo có vai trò rất quan trọng trong sự cố kết cộng đồng dòng họ của người Mông. Họ có những truyền thuyết về những vị thần tạo ra thế giới, tổ tiên của loài người và tổ tiên của dân tộc Mông, những vị thần đã dạy cách “làm ăn, làm uống” và “ đường lý, đường lẽ” dẫn dắt người Mông. Họ cho rằng ngự trị, quản lý và điều hành thế giới vạn vật là một lực lượng siêu nhiên, lực lượng siêu nhiên đó được gọi là ma; Ma có ở mọi nơi, mọi lúc. Thế giới vạn vật như: đất đai, rừng núi, sông suối, cây cỏ, chim muông, dã thú….. đều có linh hồn và là một thực thể sống. Con người phải biết thờ cúng, kiêng kỵ.
Đồng bào Dao có quan niệm vạn vật hữu linh, mọi vật đều có linh hồn, có ma cai quản. Người Dao chia ma quỷ, thần thánh ra làm hai loại: loại ma lành và loại ma dữ. Thờ cúng tổ tiên là việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình đồng bào Dao. Đồng bào cho rằng, khi cha mẹ chết đi thì linh hồn sẽ trở về thế giới bên kia và ở bên đó họ cũng trồng trọt, sản xuất giống như người bình thường. Chính vì vậy con cháu phải có nghĩa vụ thờ cúng và cung các những thứ cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày của tổ tiên. Tổ tiên thuộc dạng ma lành phù hộ cho con cháu. Con trai, con gái đồng bào Dao sinh ra đặt tên theo thứ tự ton, náy, lún…
Làm ma chay cho người chết là sự báo hiếu của người sống đối với người chết, hay tỏ rõ công ơn sinh thành dưỡng dục với đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đã có từ lâu đời. Tập tục ma chay là lĩnh vực thuộc cõi tâm linh nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm con người với con người, là sự thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với người quá cố. Khi nhà có người mất, chủ nhân báo tin cho hàng xóm, anh em họ hàng, con cháu trong nhà đi mời gọi anh em, chú bác, mời thầy cúng, thầy kèn, trống. Tang chủ cùng anh em họp bàn tổ chức tang lễ: cử một người trong họ làm chủ quản, điều hành mọi việc trong những ngày có tang. Mỗi một dân tộc có những nghi lễ riêng, các dân tộc ở Mộc Châu không có tục cải mả, riêng ở đồng bào dân tộc Thái có tục chia của, những lời a của người dẫn đường, chỉ lối người chết về cõi âm ty, lời răn dậy của người đã khuất để lại cho con cháu ở dân tộc Mông có…
Về cưới xin của các dân tộc huyện Mộc Châu, nhìn chung khi đến tuổi lập gia đình, các đôi trai, gái thường tự tìm đến người ưng ý hoặc bố mẹ sắp đặt cho gặp gỡ, khi đi đến thống nhất lập gia đình, hai bên gia đình sẽ chọn ngày tốt để tổ chức, nghi lễ cưới của mỗi dân tộc mang một phong tục khác nhau, nổi bật và đặc trưng như nghi lễ của các dân tộc: Thái, Mông, Dao. Tuy nhiên, đến nay do ảnh hưởng của văn hóa người kinh, phần đa các đám cưới đã được tổ chức theo phong tục của người kinh. Ngoài những nghi lễ trong cưới xin, tang ma, các dân tộc huyện Mộc Châu còn có nghi lễ đầy tháng, đầy năm, mừng thọ, lễ cấp sắc…
Về văn học dân gian của các tộc người ở Tây Bắc rất phong phú, nhất là các dân tộc Thái, Mường, Mông được thể hiện qua những câu truyện cổ, truyền thuyết, giã sử, cổ tích…Thơ ca dân gian chiếm một vị trí rất lớn gồm những câu ca dao, những tập thơ về tình yêu, thơ ca hát trong dịp hội hè, đám cưới, đám tang cho đến những bản trường ca, những truyện thơ lịch sử… Những bài khắp của người Thái, áng mo đẻ đất, đẻ nước của người Mường, tiếng hát làm dâu của người Mông, lời răn dậy của người Dao…những nội dung của văn học dân gian đều phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, xã hội tộc người, nguồn gốc lịch sử của dân tộc mình, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình…
Về nghệ thuật dân gian của các dân tộc huyện Mộc Châu được thể hiện rất phong phú, sinh động qua hàng loạt các loại hình như nhạc cụ dân gian, dân vũ… có những nhạc cụ nổi tiếng như cồng, chiêng của người Mường, khèn, kèn lá, đàn môi của người Mông và Pí pặp, Pí thiu, trống của người Thái; Chuông, kèn gỗ, tù và của người Dao. Dân ca của các dân tộc đa dạng như khắp, bao xao…của dân tộc Thái, các điệu khèn (Khèn tắt thở, khèn lên ngựa, khèn tiến quân…trong tang lễ của dân tộc Mông)…Múa dân gian của các dân tộc huyện Mộc Châu cũng rất đa dạng: Người Thái có múa xòe, nhảy sạp, múa nón, người Mông nổi tiếng với múa khèn, Người dao có múa chuông, Mgười Mường múa háti bong, múa đâm đuống…Mỗi dân tộc đều có kho tàng nghệ thuật dân gian riêng của dân tộc mình, chứa đựng những tâm tư, tình cảm và nhận thức của họ về tự nhiên, xã hội, con người cũng như tài năng sáng tạo văn hóa trong lịch sử dân tộc.
Lễ hội là sinh hoạt văn hóa đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh của con người, có tính tập thể, phản ánh tín ngưỡng và sinh hoạt của người dân trong lao động sản xuất, dòng họ. Đối với các dân tộc huyện Mộc Châu có một số lễ hội tiêu biểu như Lễ hội Cầu Mưa, lễ hội Hết Chá, lễ hội Nào Sồng của dân tộc Mông…